Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Thực hiện Kế hoạch số 17/KH-TCQLTT ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Tổng Cục Quản lý thị trường về Kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020 và trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch số 428/KH-QLTT ngày 02 tháng 12 năm 2020 chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trường cuối năm 2020 và trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Trong năm, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng thị trường hàng hóa vẫn đa dạng, cơ bản ổn định. Các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, kịp thời phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm an toàn thực phẩm… vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Các đối tượng thường sử dụng cách tự chế khoang chứa của xe ô tô để che giấu; ngụy trang, xé lẻ hàng hóa nhằm vận chuyển, trà trộn hàng nhập lậu, hàng giả với hàng hóa khác để tiêu thụ; hợp thức hóa đơn (hóa đơn ghi giá trị thấp hơn so thực tế), vận chuyển trên xe khách chạy đêm, xe tải đợi đêm khuya mới giao hàng... gây khó khăn cho các lực lượng kiểm tra, kiểm soát. Tại khu vực nông thôn, hiểu biết của người dân còn hạn chế, các vụ vi phạm chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực về an toàn thực phẩm: hàng quá hạn sử dụng, không có nhãn mác, nguồn gốc, niêm yết giá. Trong 11 tháng đầu năm 2020, lực lượng QLTT đã kiểm tra hơn 790 cơ sở, phát hiện 550 vụ vi phạm các quy định trong lĩnh vực kinh doanh thương mại; Thu nộp ngân sách nhà nước gần 5.5 tỷ đồng, trong đó, tiền phạt hành chính hơn 4,1 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu 1.4 tỷ đồng. Trị giá hàng tiêu hủy ước 1,8 tỷ đồng.
Dự báo trong dịp cuối năm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều biến động, các đối tượng sẽ tiếp tục tìm cách để hợp thức hóa hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc; các vi phạm về an toàn thực phẩm diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và ảnh hưởng đến đời sống xã hội... Cục QLTT tăng cường các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân cách nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các hội chợ, chợ nông thôn trên địa bàn; vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tăng cường kiểm tra những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng nhiều dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, xăng dầu… Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu mặt hàng thuốc lá; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; xăng dầu giả, kém chất lượng; động vật sống và các sản phẩm chế biến từ động vật không rõ nguồn gốc; nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và thuốc y học cổ truyền theo các chuyên đề. Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm, việc sử dụng các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các website bán hàng trực tuyến… Xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.